Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, là chìa khóa kết nối bạn với thế giới và là điều kiện cần để đạt được những bước tiến quan trọng trong cuộc sống ngày nay. Biết được tầm quan trọng đó, rất nhiều bạn trẻ đang cố gắng học tập để thành thạo giao tiếp ngôn ngữ này.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện thời gian và tài chính để theo đuổi một khóa học bài bản tại một trung tâm Anh ngữ uy tín, nhiều bạn chọn cách tự học ở nhà với phương pháp riêng của bản thân. Nhưng liệu phương pháp của bạn có đang đi đúng hướng không? Hãy tham khảo các phương pháp tự học tiếng Anh giao tiếp mà tác dụng chúng đã được kiểm chứng bởi khoa học và thực tế.

Nghe và tắm trong ngôn ngữ

Tiếng Anh của bạn bắt đầu từ con số 0. Như một đứa trẻ học ngôn ngữ mẹ đẻ, đầu tiên là lắng nghe người khác trò chuyện, sau đó bi bô từng chữ, cụm từ rồi cả câu. Việc học tiếng Anh cũng tương tự như vậy. Để não bạn quen dần với một ngôn ngữ mới, bạn phải tiếp xúc đều đặn mỗi ngày.

Có thể nghe tiếng Anh theo cách bị động và chủ động:

Ở cách nghe bị động, bạn cứ bật tiếng Anh ra rả bên tai mình trong khi làm việc khác mà không cần phải chú tâm lắng nghe. Phương pháp này giúp bạn làm quen với âm điệu của người bản xứ.

Ở cách nghe chủ động, trong giai đoạn đầu tiên, bạn cần nghe những đoạn hội thoại ngắn với vốn từ vựng cơ bản để hiểu. Đây là cách để bạn làm chủ vốn từ vựng cơ bản định hình cho việc phát triển khả năng giao tiếp tiếng Anh sau này. Ngoài ra, nghe chủ động tức là bạn tự lựa chọn bài nghe, tập trung nghe để hiểu, nghe đi nghe lại nhiều lần một bài để hiểu thật sâu trước khi chuyển sang bài khác.

Để đa dạng hóa các thể loại nghe nhằm mang đến trải nghiệm mới lạ, bạn có thể kết hợp nghe với xem phim, các chương trình hoặc nghe các bài hát tiếng Anh.

Học theo cụm từ và câu

Một lối học từ vựng sai lầm là ghi chép các từ mới riêng lẻ và học thuộc chúng. Điều này có thể giúp bạn nhớ được mặt chữ nhưng bạn không thể sử dụng từ vựng khi nói vì không biết cách dùng.

Khi học một từ mới, bạn phải học các vấn đề xoay quanh từ đó, như dấu nhấn, trọng âm, giới từ đi kèm, cụm từ thông dụng, và mẫu câu ví dụ. Song song với đó, nhất định phải học cách phát âm từ vựng sao cho chuẩn nhất có thể. Qua thời gian, bạn không những nâng cao vốn từ vựng mà bản thân, mà còn có thể sử dụng thành thạo các từ này trong nhiều ngữ cảnh, không những trong việc nói mà cả trong việc viết tiếng Anh.

Nhưng lưu ý là bạn phải thường xuyên ôn tập và thực hành sử dụng từ/cụm từ/câu để khiến chúng ăn sâu vào não bạn. Ví dụ, hôm nay bạn học được một cụm từ mới, khi luyện tập nói trước gương hoặc với ai đó hãy cố gắng tìm ngữ cảnh phù hợp để sử dụng cụm từ đó.

Không nên chú trọng quá nhiều vào ngữ pháp

Có nhiều bạn bắt đầu học tiếng Anh bằng cách mua các cuốn sách hoặc tìm tài liệu về ngữ pháp để học. Bạn học miệt mài và làm bài tập, từ thì hiện tại sang thì quá khứ, từ câu bị động đến câu điều kiện, … rồi phải ‘căng não’ ra để nhớ các quy tắc, các dấu hiệu. Thế rồi khi gặp một người nước ngoài, bạn chẳng thể mở miệng nói lấy một câu hay không hiểu họ đang nói gì.

Hãy ‘dẹp’ những cuốn sách ngữ pháp sang một bên! Khi bạn luyện tập bằng cách nghe nhiều và tập nói, ngữ pháp cơ bản sẽ tự đến với bạn theo cách rất tự nhiên. Điều này cũng tương tự như tiếng Việt vậy, bạn nói câu trôi chảy mà không hề quan tâm đó là loại ngữ pháp gì trong lúc nói. Với mục tiêu giao tiếp, bạn nói để người nghe hiểu và ngược lại, không cần sử dụng quá nhiều các kiến thức ngữ pháp phức tạp (và đôi khi không cần thiết) mà chỉ cần nắm chắc một số điểm ngữ pháp cơ bản là được.

Sử dụng nguồn tài liệu phù hợp

Một trong những nguyên nhân khiến giao tiếp tiếng Anh của bạn chậm tiến bộ, đó là sử dụng các tài liệu không chuẩn. Đầu tiên, phải sử dụng tài liệu phù hợp với trình độ hiện tại của bản thân. Thứ hai, các nguồn tài liệu phải uy tín, tốt nhất là từ người bản xứ.

Các cuộc hội thoại trong phim hay các chương trình TV show là những tình huống thực tế, giúp bạn học cách giao tiếp chân thực và tự nhiên nhất. Và cuối cùng là hãy tận dụng triệt để các nguồn tài liệu bạn có. Ví dụ như đối với các file nghe, ngoài nghe đi nghe lại nhiều lần, bạn có thể tận dụng chúng để nói nhại lại, sau đó ghi âm và sửa chữa.

Kiên trì theo đuổi phương pháp phù hợp

Có rất nhiều bạn lúc đầu học rất hứng khởi, nhưng sau thời gian thì chán dần vì cho rằng phương pháp học không hiệu quả. Phương pháp học tiếng Anh giao tiếp thường đến từ các cá nhân đã có kinh nghiệm và thành công.

Có rất nhiều phương pháp hay mà đa số người học đều đạt kết quả tốt sau một quá trình theo đuổi. Tuy nhiên, mỗi người lại phù hợp nhất với một phương pháp học. Vì thế, khi áp dụng bất kỳ phương pháp học tiếng Anh giao tiếp nào, bạn hãy tham khảo, giữ lại những điểm nguyên tắc căn bản của phương pháp đó (như không quá nặng nề ngữ pháp, nên dành nhiều thời gian cho phát âm, …), liêu tục đánh giá và tự điều chỉnh cách học cho phù hợp với bản thân, cố gắng và kiên trì thực hiện, nhất định bạn sẽ thành thạo giao tiếp tiếng Anh.FacebookTwitter

Leave a Comment