Nhiều bạn cho rằng không cần quan tâm đến ngữ pháp khi học tiếng Anh giao tiếp, điều này đúng hay sai? Câu trả lời là ‘tùy thuộc vào mục đích của người học’. Nếu bạn chỉ cần giao tiếp ở mức độ cơ bản như chào hàng, mua bán, nói để người khác hiểu dựa vào các “keyword” là chính hay được gọi là nói tiếng Anh “bồi” thì vấn đề ngữ pháp không quá quan trọng. Tuy nhiên, nếu bạn muốn nâng cao trình độ giao tiếp tiếng Anh để phục vụ công việc chuyên môn hay làm việc với người nước ngoài, ngữ pháp đóng vai trò rất quan trọng.

Cùng tìm hiểu thêm về vai trò của ngữ pháp trong tiếng Anh giao tiếp thông qua những phân tích dưới đây!

1. Tại sao người Việt học tiếng Anh lại cần quan tâm đến ngữ phápAdd New

Người bản xứ thường không vất vả học ngữ pháp, nhưng vẫn rất ít khi nào mắc lỗi về ngữ pháp khi giao tiếp. Đó là do tiếng Anh như hơi thở của họ mà mỗi ngày họ tiếp xúc và sử dụng, ngôn ngữ phát triển tự nhiên qua trải nghiệm.

Tuy nhiên, người bản xứ không phải luôn đúng ngữ pháp 100%, thỉnh thoảng ta vẫn thấy những lỗi sai trong ngữ pháp giao tiếp. Ví dụ, trong bài hát “You and I” của nhóm nhạc nổi tiếng One Direction, câu hát được lặp đi lặp lại nhiều lần là “Nothing can come between you and I” bị sai ngữ pháp. Chính xác phải là “Nothing can come between you and ME”, và để cho khớp với lời bài hát, tiêu đề của bài hát cũng nên được đổi thành “You and Me”.

Đa số người học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai như người Việt không có môi trường giao tiếp tiếng Anh hàng ngày như người bản xứ, nên để quá trình học diễn ra nhanh hơn thì ta cần quan tâm đến ngữ pháp. Nó là công cụ hỗ trợ đắc lực khi bạn muốn nghe và nói đúng ý.

2. Bạn hiểu chính xác thông điệp từ người nói nhờ ngữ pháp

Nếu bạn không nắm cơ bản về các thì trong tiếng Anh, có lẽ bạn sẽ không thể phân biệt được ý nghĩa của hai câu dưới đây:

  • Nam lost his key yesterday
  • Nam has lost his key for two days

Cùng ý nghĩa ‘Nam đánh mất chìa khóa’, tuy nhiên câu thứ nhất ý nói Nam đã đánh mất chìa khóa hôm qua và chúng ta không biết bây giờ Nam đã tìm ra hay chưa. Câu thứ hai lại khác, nó nêu bật ý Nam đánh mất chìa khóa và kéo dài tới bây giờ, tức là hiện tại vẫn đang mất và chắc chắn chưa tìm ra.

Đây là một ví dụ điển hình trong việc phân biệt giữa thì quá khứ đơn (simple past) và thì hiện tại hoàn thành (present perfect), mà nếu chưa biết, bạn sẽ không hiểu được chính xác ý của người nói. Như vậy, việc nắm vững các điểm ngữ pháp cơ bản trong trường hợp này là rất cần thiết.

3. Bạn thể hiện đúng ý muốn nói nhờ ngữ pháp

Bây giờ, chúng ta hãy đổi ngược vai trò – bạn nói và người khác nghe. Bạn hãy thử đặt bản thân mình vào ví dụ tương tự ở trên, và trả lời ‘nếu không phân biệt được thì quá khứ đơn và hiện tại hoàn thành, liệu bạn có thể hiện đúng ý mà mình muốn nói không?’

Đối với một số lỗi ngữ pháp, như quên dùng a/an/the, người nghe vẫn hiểu được đại khái một cách nào đấy. Ví dụ như câu “She sits on a chair” và “She sits on chair”, người nghe vẫn hiểu cơ bản được ý bạn muốn nói rằng “Cô ấy ngồi trên ghế”. Tuy nhiên, đối với những trường hợp câu phức tạp, việc mắc quá nhiều lỗi ngữ pháp sẽ khiến người nghe rất bối rối và khó hiểu, đó là chưa tính đến việc câu nói tiếng Anh đã mất đi sự tự nhiên cần thiết.

4. Những lỗi ngữ pháp cơ bản bạn nên bắt đầu sửa

Có một nghịch lý là đa số người Việt khi còn là học sinh, sinh viên đều đã trải qua những ngày tháng miệt mài bên những lý thuyết và bài tập ngữ pháp. Nhưng thực tế khi trực tiếp nói tiếng Anh với người nước ngoài thì hầu như chúng ta quên hết các nguyên tắc ấy đi và lỗi ngữ pháp xuất hiện rất nhiều. Đấy là hậu quả của việc học mà không đi đôi với hành!

Để bắt đầu cải thiện được điều đó, bạn nên bắt đầu thực hành 3 điểm ngữ pháp cơ bản mà người Việt thường mắc phải dưới đây:

Sử dụng thì khi nói

Bạn nên ôn tập lại các thì trong tiếng Anh và thực hành khi nói để người nghe dễ hình dung bối cảnh câu chuyện xảy ra trong thời điểm nào.

Ví dụ:

  • She was a student (thì quá khứ đơn)
  • She is a student (thì hiện tại đơn)
  • She will be a student (thì tương lai)

Khi dùng chủ ngữ là ngôi thứ ba số ít phải chia động từ

Ví dụ:

  • It takes a long time to see her
  • He goes to school

Cách dùng mạo từ a/ an/ the

Ví dụ:

  • This is an apple
  • This is a pen
  • She wants to travel around the world

Việc lồng ghép lý thuyết ngữ pháp vào thực tế giao tiếp nên bắt đầu từ những điểm thật cơ bản, sau đó tiếp cận những điểm phức tạp hơn. Tất nhiên, điều này đòi hỏi bạn phải dành nhiều thời gian và công sức để thực hành thành thạo. Khi đó trình độ giao tiếp tiếng Anh của bạn sẽ đạt một trình độ mới chứ không còn là tiếng Anh “bồi”, bạn sẽ trao đổi, chuyện trò với người nước ngoài tự tin hơn và giúp ích nhiều trong công việc hơn. Vì vậy, ngữ pháp thực sự có vai trò quan trọng nếu bạn muốn chinh phục tiếng Anh giao tiếp một cách trọn vẹn.

Leave a Comment