Có bao giờ bạn thắc mắc “Vì sao mình luyện phát âm rất nhiều nhưng vẫn không thể nói tiếng Anh một cách tự nhiên và uyển chuyển như người bản xứ?” Câu trả lời có thể đến từ thói quen áp dụng cách nói của tiếng Việt vào tiếng Anh, khiến mọi thử trở nên hỗn độn và “không đi đâu vào đâu”

Hiểu rõ sự khác biệt giữa tiếng Việt và tiếng Anh sẽ giúp bạn phát âm tiếng Anh chuẩn xác hơn. Dưới đây là những sự khác biệt cơ bản này:

1. Tiếng Việt đơn âm, tiếng Anh đa âm

Trong tiếng Việt, mỗi từ được đọc bằng một âm tiết. Nhưng trong tiếng Anh, một từ đơn có thể được đọc từ hai, ba, … thậm chí năm, sáu âm tiết ghép lại. Ví dụ, từ “Việt Nam” gồm hai từ với hai âm tiết là “Việt” và “Nam”. Trong khi đó, từ “England” cũng là một từ, nhưng lại có hai âm tiết là /ˈɪŋɡ/ và /lənd/.

Do chịu ảnh hưởng từ tiếng mẹ đẻ, người Việt lúc mới học có khuynh hướng phát âm “một từ tiếng Anh có nhiều âm”,  như là “nhiều từ tiếng Việt có một âm”. Ví dụ, từ “teacher” người Việt có khuynh hướng đọc thành hai từ: tít + chờ.

Do vậy, hãy nhớ mỗi lần nói tiếng Anh, bạn hãy đọc liền mạch các âm của một từ với nhau.

2. Mỗi chữ cái tiếng Việt có một cách phát âm duy nhất, còn tiếng Anh thì không

Trong tiếng Việt, chữ “e” dù có được  ghép vào từ nào thì nó vẫn được đánh vần  là “e”. Ví dụ như “mờ-e-me-nặng Mẹ”, “bờ-e-be-huyền Bè”,…

Nhưng tiếng Anh thì không. Ví dụ, trong từ Elephant /’elifənt/, chữ “e” đầu được đọc là “e” nhưng chữ “e” thứ hai thì lại đọc thành “i”. Như vậy, trước khi bạn đọc từ tiếng Anh nào, bạn phải tra bảng phiên âm của nó và nghe cách đọc để có thể đọc chính xác từ đó.

Việc học bảng chữ cái không giúp bạn đọc đúng, mà bạn phải học một bảng phiên âm nữa. Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Bảng phiên âm gồm 44 âm tiết. Nếu phát âm đúng 44 âm tiết, bạn có thể đọc đúng đa số từ tiếng Anh.

Tại sao lại là “đa số”? Vì trong nhiều trường hợp, một từ có nhiều phiên âm khác nhau. Ví dụ từ “tear” /tɛr/ là động từ xé trong câu “Please don’t tear my clothes!”  (Xin đừng xé quần áo của tôi). Trong khi đó “tear” /tɪr/ lại là danh từ nước mắt trong câu “I won’t cry a tear for you”. (Tôi sẽ không vì bạn mà khóc).

Vậy làm sao bạn biết khi nào đọc là /tɛr/ và khi nào đọc là /tɪr/? Câu trả lời đến từ câu hỏi: Từ đó làm chức năng gì trong câu? (chủ ngữ hay vị ngữ), từ đó ở thì nào? (hiện tại hay quá khứ). Bằng cách đặt từ vào ngữ cảnh phù hợp, bạn sẽ có cách đọc chính xác cho nó.

3. Tiếng Việt có dấu, tiếng Anh có trọng âm

Đây là một trong những điểm khác biệt cơ bản nhất giữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Tiếng Việt có dấu, khi thay đổi dấu thì trở thành từ khác. Ví dụ, từ “ba” khi được thêm dấu thì thành các từ khác nhau như: bà, bá, bả, bã, bạ.

Tiếng Anh thì hoàn toàn không có dấu. Thay vào đó, chúng có trọng âm. Ví dụ, từ desert nếu đọc nhấn mạnh vào âm đầu là “DEsert” thì có nghĩa là “sa mạc”. Nhưng nếu bạn nhấn mạnh vào âm thứ hai “deSERT” thì lại có nghĩa là “rời bỏ đi”. Như vậy, bằng cách nhấn mạnh vào trọng âm của từ mà hai từ viết giống nhau có nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Bật mí để tập nói trọng âm: thêm dấu sắc vào dấu trọng âm, nếu không phải trọng âm thêm dấu huyền và nặng. Ví dụ: từ teacher /’tɪːtʃə(r)/: nghe giống “tít chờ”.

4. Tiếng Việt có ghép vần, tiếng Anh có ngữ điệu

Từ thời cấp một, bạn đã được dạy đánh vẫn các từ khác nhau từ bảng chữ cái như a-bờ-a-huyền-Bà,

nhưng trong tiếng Anh thì bạn không thể làm điều tương tự. Khi bạn học một từ mới, bạn phải tra cách đọc hoặc nghe từ đó được đọc như thế nào thì bạn đọc như thế đó. Nhưng một nét hay và đẹp nhất của tiếng Anh đó là ngữ điệu của từ và ngữ điệu của câu. Ví dụ từ teacher  /’tɪːtʃə(r)/ bạn không đọc là “tít chờ” mà phải đọc là “tiiit chờ”, đây chính là ngữ điệu của từ. Tương tự trong câu “Are you ready?”. Từ “ready” được nhấn mạnh để bày tỏ ý hỏi. Chính sự lên xuống của trọng âm trong từ và trong câu giúp tiếng Anh thêm phần mềm mại và quyến rũ.

Như vậy, bạn thấy đó, tiếng Việt và tiếng Anh khác nhau khá nhiều. Bạn không thể áp dụng cách nói của tiếng Việt vào tiếng Anh. Nhưng bạn có thể biến tiếng Anh thành “tiếng Việt thứ hai” của mình. Just remember “Practice makes perfect!” Chúc bạn thành công!

Leave a Comment