Chắc có lẽ bạn đã vài lần nghe thầy/cô, bạn bè hoặc một ai đó nói về cách cải thiện khả năng phát âm tiếng Anh bằng phương pháp nhại lại giọng người bản xứ. Nhưng bạn đã biết cơ sở khoa học đằng sau phương pháp này, cũng như cách nhại lại giọng hay chưa? Hôm nay, chúng tôi sẽ bật mí cho bạn một vài cách bắt chước phát âm vô cùng hiệu quả.

Bộ não chúng ta hoạt động thế nào?

Theo bạn nghĩ, khi nghe một bài hát, bộ não chúng ta có xu hướng ghi nhớ giai điệu hay ca từ của bài hát trước tiên? Câu trả lời là giai điệu. Trong cuộc sống hàng ngày, bạn chắc chắn đã vô tình kiểm chứng điều này vài lần. Đó là khi bạn quên lời một bài hát hay mình vừa tình cờ nghe được, nhưng vẫn có thể nhớ được một phần giai điệu của nó.

Áp dụng vào việc học ngoại ngữ, để phát âm chuẩn một câu nói, bạn nên nghe ngữ điệu của nó nhiều lần, sau đó bắt chước lại (nhại lại). Một lưu ý quan trọng là bạn nên nghe câu nói nhiều lần để “thấm” ngữ điệu của nó trước khi bắt chước, chứ đừng chỉ nghe qua 1-2 lần, dẫn đến việc nghe sai và kết quả là nói sai.

Cách nhại lại giọng người bản xứ

1. Nhại lại một câu nói yêu thích

Câu nói yêu thích của bạn có thể đến từ bất kỳ đâu – một bộ phim, một video trên YouTube, một bản tin trên tivi hay từ một người bạn. Nếu bạn thích câu nói ấy (do nội dung ý nghĩa hoặc ngữ điệu lôi cuốn), bạn nên nhại lại nó hàng ngày – trên đường đi học/làm hay khi đang làm việc nhà. Dần dần, bạn tự hình thành trong đầu cách người bản xứ phát âm câu nói đó.

Và điều tuyệt vời nhất là khi bạn nhại lại nhiều câu nói, bạn không chỉ nói được những câu nói ấy, mà nhiều câu khác sau này nữa với ngữ điệu của một người bản xứ.

2. Nhại lại các video tiếng Anh

Hàng ngày, bạn có thể xem rất nhiều video trên mạng, nhưng nếu bạn chỉ biết nghe và nghe, thì khả năng phát âm sẽ vẫn dậm chân tại chỗ. Hãy bắt chước nói lại những câu nói trong các video này. Thâm chí, dù không hiểu họ đang nói gì, bạn vẫn có thể bắt chước được. Điều này đâu thành vấn đề. Ban đầu, bạn có thể không hiểu, nhưng sau một thời gian nghe lại, các từ vựng mà trước đây bạn không nghe được sẽ dần hiện ra.

Bằng cách nhại lại các video tiếng Anh, bạn không những trao dồi listening skill mà còn speaking skill. Đúng là một công đôi việc! Đây là cách mà bản thân mình thích nhất và hay áp dụng nhất.

3. Nhại lại giọng điệu của idol

Nếu người nổi tiếng mà bạn thần tượng là một English native speaker, sẽ thật thú vị nếu bạn bắt chước giọng nói của anh/cô ấy. Thậm chí nếu bạn quá yêu mến ai đó, bạn có thể xem và nghe người ấy nói chuyện hàng giờ mà không thấy chán. Nhưng đừng chỉ dừng lại ở nghe, hãy cố gắng nói theo (hoặc hát theo) idol của mình.

4. Trò chuyện trực tiếp với người bản xứ

Mặc dù, đôi khi khá khó khăn để có thể gặp và bắt chuyện với một English native speaker, nhưng đây có lẽ là phương pháp nhanh nhất và thú vị nhất để giỏi phát âm tiếng Anh. Có nhiều cách: Tham giao một club tiếng Anh hoặc một khóa học tiếng Anh, tìm đến những nơi có nhiều khách du lịch nước ngoài trong thành phố mà bạn sinh sống (VD, nếu đang sống ở Hà Nội, bạn có thể ra bờ hồ Tây hoặc tản bộ trong lòng phố cổ), kết bạn với người bản xứ trên mạng xã hội hoặc diễn đàn …

Việc trực tiếp trò chuyện với người bản xứ sẽ giúp bạn cải thiện khả năng phát âm của mình một cách rõ rệt vì những gì bạn nghe được là vô cùng chân thật. Đâu phải tự nhiên người Việt qua Mỹ học tập và sinh sống thường phát âm tiếng Anh tốt hơn so với người học trong nước. Hay liên hệ chính tiếng Việt của chúng ta, những người sống ở Hà Nội lâu năm thay đổi chất giọng thành giống người Hà Nội một cách dễ dàng hơn những người chỉ nghe giọng Hà Nội qua tivi, báo đài.

Tổng hợp các bước nhại lại giọng người bản xứ

Dù áp dụng phương pháp nào, bạn cũng cần một chiến lược đúng đắn. Sau đây là các bước của riêng mình:

  • Nghe trọn câu. Lưu ý: Cố gắng ghi nhớ nội dung và từ ngữ được dùng trong câu để không quên khi nhại lại.
  • Bắt chước ngữ điệu của câu. Lưu ý: Bắt chước nguyên câu hoàn chỉnh với ngữ điệu đúng theo những gì bạn nghe được từ người bản xứ.
  • Lặp đi lặp lại 5 lần (hoặc hơn đến bạn cảm thấy chưa nắm bắt được ngữ điệu và cách phát âm các từ trong câu)
  • Tiếp tục nghe và nhại lại một số câu tiếp theo (vẫn áp dụng bước 1, 2 và 3 ở trên)
  • Nhại lại nguyên đoạn trò chuyện. Lưu ý: Cố gắng ghi nhớ nội dung và từ ngữ được dùng trong mỗi câu nói để không quên khi nhại lại. Tùy vào trí nhớ của mỗi người cũng như nội dung của đoạn hội thoại, số lượng câu được ghi nhớ sẽ không giống nhau. Nguyên tắc ở đây là khi nào bạn cảm thấy không ghi nhớ nổi nữa, hãy dừng lại để bắt chước. Áp dụng tương tự với các đoạn hội thoại khác.

Hãy thử áp dụng phương pháp của mình thử xem nhé! Chúc các bạn thành công!

Leave a Comment