Ai học tiếng Anh cũng muốn nói chuẩn, nói hay như người bản xứ. Nhưng điều này sẽ là điều không thể nếu người học chưa biết cách khắc phục các khó khăn trong phát âm tiếng Anh chuẩn của người Việt. Nếu bạn chưa biết những rào cản này là gì, hãy đọc bài viết sau đây!

Sử dụng tiếng Việt để nói tiếng Anh

Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, còn tiếng Anh thì đa âm. Ví dụ, từ “Tiếng Việt” gồm hai chữ, hai âm tiết, mỗi âm được đọc tách biệt nhau. Trong khi đó, từ “English” là một chữ và được đọc với 2 âm tiết liền nhau.

Đây là khó khăn căn bản đầu tiên mà người Việt gặp phải khi học tiếng Anh. Do thói quen nói tiếng Việt đã ăn sâu vào mỗi người nên khi chuyển sang nói tiếng Anh, đa số mọi người sẽ mắc phải lỗi này.

Chẳng hạn, từ “teacher”  [‘tɪːtʃə(r)] đa số mọi người đọc là “tít + chờ”. Mọi người có xu hướng đọc tách biệt hai âm của một từ trong tiếng Anh như trong tiếng Việt.

Thói quen này khiến người nghe khó hiểu hoặc không hiểu bạn, đồng thời nó còn làm hạn chế khả năng nghe hiểu của bạn đi rất nhiều.

Khó khăn khi nhấn trọng âm

Trong khi tiếng Việt có dấu (huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng) để thay đổi nghĩa của từ và tạo âm điệu cho lời nói, thì tiếng Anh có trọng âm để làm những điều tương tự.

Ví dụ, khi đọc từ “teacher” [‘tɪːtʃə(r)], bạn không chỉ đọc nối liền hai âm [‘tɪː] và [tʃə(r)] với nhau mà còn phải nhấn mạnh vào âm đầu [‘tɪː] đồng thời kéo dài âm [ɪː] ra một chút xíu. Đây chính là quy tắc nhấn trọng âm của từ trong tiếng Anh.

Để khắc phục khó khăn này, mình có một gợi ý nhỏ cho bạn. Đó là với những âm được nhấn mạnh, bạn thêm dấu “sắc” còn âm thường bạn thêm dấu “huyền” khi đọc. Ví dụ, bạn hãy đọc “teacher” một cách đơn giản, nhưng chính xác là [tiit trờ]. Thật đơn giản có phải không?

Khó khăn khi phát âm cuối

Trong tiếng Anh, có rất nhiều từ “có vẻ nghe giống nhau” như: nice, night, nine, knife, … nhưng lại không giống nhau. Vấn đề ở đây là chúng được phân biệt với nhau bởi cách phát âm cuối, như là “nice”  [naɪs] và night [naɪt] được phân biệt bởi âm /s/ và âm /t/ ở cuối mỗi từ.

Nếu bạn bỏ qua âm cuối, hay còn gọi là “đọc nuốt âm cuối”, bạn sẽ khiến người nghe không hiểu hoặc hiểu nhầm ý. Đây là một lỗi phổ biến của người Việt, khi tiếng Việt không chú trọng đến âm cuối mà chỉ tập trung vào vần và dấu tạo nên từ. Ví dụ, từ “đẹp” được đánh vần là “e-pờ ép-đờ-ép đép-nặng đẹp”.

Vì thế, bạn hãy để ý cách phát âm cuối và luôn đọc nó. Bằng cách này, bạn sẽ phân biệt được rất nhiều từ khác nhau khi nghe và tránh các hiểu nhầm đáng tiếc khi giao tiếp.

Khó khăn khi nối âm

Tiếng Anh sử dụng rất nhiều từ nối âm. Ví dụ, cụm từ “Talk about it” được đọc là [tɔːKỜ-bao-ít], chứ không phải là [tɔːk-Ờ-bao-ít]. Có thể bạn vẫn nghe được, nhưng trong đa số trường hợp với người mới thì có khả năng sẽ không hiểu gì dù họ đã biết tất cả các từ trong cụm.

Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc nghe hiểu mà còn khiến câu nói không được trôi chảy, dù bạn đã phát âm chính xác từng từ một. Và có thể cuộc hội thoại sẽ trở nên nhàm chán và người đối diện không còn hứng thú nói chuyện với bạn.

Tuy nhiên, khó khăn nào cũng có cách giải quyết! Trong trường hợp này, bạn chỉ cần chú ý nghe cả cụm từ, cả câu rồi bắt chước (nhại) theo. Một chú ý quan trọng, đó là khi từ kết thúc là một phụ âm và đi sau nó là một nguyên âm, thì bạn phải nối âm. Như trong ví dụ trên, từ “Talk” kết thúc là phụ âm /k/ và sau nó là từ “about” được bắt đầu bằng nguyên âm /a/.

Khó khăn khi nói ngữ điệu

Nếu bạn để ý, người Việt thường nói tiếng Anh với giọng đều đều, không có sự lên xuống như người bản ngữ. Đây cũng một phần do thói quen nói tiếng Việt. Bạn có thể sửa bằng cách tạo cho mình một số thói quen trong giao tiếp tiếng Anh, như:

Lên giọng ở trọng âm chính của câu và xuống giọng ở cuối câu đối với những câu tường thuật, cầu khiến  hay câu hỏi bắt đầu bằng từ để hỏi.

Với các câu hỏi đảo trợ động từ lên đầu câu (câu hỏi đoán), lên giọng ở cuối câu. Ví dụ, lên giọng từ “sing” trong câu “Can you sing?”

Với những câu hỏi đuôi, có thể lên hoặc xuống giọng ở cuối câu. Sự lên xuống này quyết định ý nghĩa của câu. Ví dụ, trong câu “You didn’t go to work yesterday, did you?”, người nói xuống giọng ở “didn’t” để thể hiện sự không đồng ý (bạn không đi làm phải không?), và ngược lại, nhấn mạnh ở “did” để thể hiện sự đồng ý (hay bạn có đi làm?).

Bằng cách tạo những thói quen trên, bạn hoàn toàn có thể nói một cách lưu loát và thể hiện được cảm xúc của mình trước người đối diện. Điều đó giúp cuộc hội thoại giàu sức sống hơn và tạo cảm hứng cho người đối diện.

Leave a Comment