Cách phát âm chắc chắn là thứ mà người khác đặc biệt chú ý khi bạn nói Tiếng Anh.

Bạn có thể không cần đến vốn từ cao siêu – chỉ cần dùng những từ đơn giản để thể hiện điều bạn muốn diễn đạt. Bạn có thể không cần đến ngữ pháp chuyên sâu – chỉ cần sử dụng những cấu trúc thông thường là đủ. Tuy nhiên, nếu cách phát âm của bạn không chuẩn thì có thể sẽ là một thảm kịch. Ngay cả khi bạn dùng đúng ngữ pháp, thì có thể người nghe sẽ chẳng hiểu bạn đang muốn nói cái gì.

Dưới đây là 8 bước tự học phát âm tiếng Anh mà bất cứ English Learner nào cũng cần biết:

1. Đặt mục tiêu tự học phát âm tiếng Anh chuẩn trong vòng 6 tháng

Khi bạn đưa ra quyết định này, bạn đã nắm 50% cơ hội trong tay mình rồi đấy! Vì khi đó, bạn đã đặt cho mình một mục tiêu, một lộ trình. Công việc còn lại là cố gắng duy trì mục tiêu đó hằng ngày, hàng tuần, hàng tháng.

Ngoài ra, lộ trình không chỉ là một danh sách những việc cần làm và thời gian để làm những việc đó, nó còn là động lực giúp bạn duy trì sự tập trung và có định hướng trong việc học tiếng Anh dài lâu sau này.

2. Học nguyên tắc cơ bản nhất

Đó là bạn phải học NGHE TRƯỚC NÓI, rồi sau đó mới đến đọc và viết. Thầy AJ Hope đã từng nói “Cách tốt nhất để học bất cứ ngoại ngữ nào, đó là hãy học nó như cách bạn học tiếng mẹ đẻ của mình”. Hãy nhớ lại, trước khi chào đời, bạn có 9 tháng 10 ngày nghe trong vô thức; khoảng 2-4 tháng tuổi thì bắt đầu bập bẹ những từ “ba”, từ “mẹ” đầu tiên; 5 tuổi thì bắt đầu vào trường mẫu giáo học đọc, học viết.

Thực tế thì bạn đã có thể nói được những câu đơn giản từ lúc lên 2-3 rồi.

Như vậy, trước khi bạn muốn nói một từ, một câu nào đó thì trước tiên hãy lắng nghe nó được phát âm như thế nào. Bằng cách này, bạn sẽ biết mình có phát âm đúng từ đó, câu đó hay không, cũng như nâng cao khả năng thụ âm của mình một cách đáng kể.

3. Học nghe các âm, các từ

Giống như tiếng Việt, tiếng Anh cũng có âm, mà cụ thể là 44 âm được chia làm hai loại: nguyên âm và phụ âm. Trong đó:

Nguyên âm là âm phát ra từ những dao động của thanh quản, tự nó đứng riêng biệt hay phối hợp với phụ âm thành tiếng trong lời nói. Ví dụ, các nguyên âm đơn như  /i/, /e/,/u/ hay các nguyên âm đôi như  /ei/,/ai/,/ɔi/.

Phụ âm là âm phát từ thanh quản qua miệng. Phụ âm chỉ phát ra thành tiếng trong lời nói khi được phối hợp với nguyên âm. Ví dụ, các phụ âm như /b/,/p/,/m/.

Nếu chỉ dừng lại ở việc nghe các âm thì bạn sẽ không biết chúng được dùng như thế nào. Phương pháp ở đây là bạn phải nghe các từ có chứa những âm đó. Ví dụ, khi bạn học âm /i/, bạn sẽ nghe từ “ship”; khi bạn học âm /e/, bạn sẽ nghe từ “bed” và cứ như vậy đến khi bạn phân biệt được tất cả các âm thì số lượng từ bạn nghe được cũng rất lớn rồi.

4. Học nghe cụm từ, nghe cả câu

Bằng cách này, bạn hiểu được khái niệm ngữ điệu. Đây chính là mấu chốt của việc bạn có trở thành một người nói tiếng Anh chuẩn hay không.

Trong một câu, có từ được nói với giọng thấp, có từ lại nói với giọng cao. Đây chính là âm điệu! Bản chất của nó nhằm nhấn mạnh nội dung của câu hoặc nhằm biểu lộ cảm xúc của người nói. Ví dụ, khi bạn vui bạn nói “I’m exciteddd”, từ “excited” được nhấn mạnh để biểu lộ cảm xúc phấn khích của người nói.

5. Nghe cả đoạn hội thoại

Sẽ thật thiếu sót nếu bạn chỉ dừng lại ở việc nghe những câu ngắn. Trong thực tế giao tiếp bạn phải nghe toàn bộ nội dung mà người khác muốn nói cho mình. Đó là lý do bạn phải tập lắng nghe những đoạn hội thoại ngắn trước. Nếu không hiểu hết, hãy nghe lại lần nữa và tiếp tục như thế đến khi bạn hoàn toàn hiểu nội dung của đoạn hội thoại.

Nghe thì có vẻ nhàm chán, nhưng bằng cách này bạn đang nâng cao khả năng nghe hiểu của mình. Và một ngày bạn sẽ xem phim mà không cần sub!

6. Luyện khẩu hình miệng

Nếu bạn đã từng xem video dạy tự học phát âm tiếng Anh nào đó ở trên mạng, bạn sẽ thấy họ tập trung rất nhiều vào việc quan sát và bắt chước khẩu hình miệng của người Mỹ. Người Mỹ thường mở miệng rất rộng và sử dụng nhiều vận động của miệng,môi khi nói chuyện. Vì vậy, giọng nói của họ rất to, rõ ràng. Điều này khá là ngược với người Việt mình, vốn thường ngại mở to khẩu hình miệng khi nói chuyện, làm cho giọng nói lí nhí, khó nghe.

Vậy bạn đã nhận ra khuyết điểm chung của người Việt mình rồi, còn chờ đợi gì nữa mà không thay đổi để hướng tới mục tiêu trở thành người nói tiếng Anh hay nhất trong khi mọi người vẫn bị nhưng thói quen cũ chi phối. Kể từ nay, mỗi khi nói tiếng Anh, bạn hãy cố gắng mở miệng thật to, nói rõ ràng, mạch lạc. Tốt hơn nữa, hãy nhại lại mỗi khi có cơ hội được xem video hay bộ phim yêu thích nào đó.

7. Thực hành hàng ngày

Tất cả chỉ là lý thuyết suông nếu bạn không biến thực hành thành thói quen hằng ngày ngay từ bây giờ. Hãy đặt cho mình ít nhất 30 phút vào một thời điểm cố định trong ngày và kiên trì luyện tập. Đến lúc thành thào, thì cho dù bạn có muốn nói sai cũng không được nữa rồi!

Ngoài ra, hãy ghi âm lại mỗi khi bạn đọc hay nói tiếng Anh. Rồi dành thời gian rãnh nghe lại giọng của mình xem có hay như Nguyễn Ngọc Ngạn không. Bằng cách này, bạn sẽ phát hiện ra một số lỗi mà bạn thường mắc phải, rồi cố gắng sửa chữa chúng cho đúng. Theo thời gian bạn sẽ trau dồi kỹ năng của mình một cách đáng kể.

8. Thách thức nói trước đám đông

Trước khi làm điều này, hãy tự thực hành trước gương và tưởng tượng như mình đang đứng trước một hội trường cả trăm người đang theo dõi. Bằng cách này, bạn không những trao dồi phát âm của mình mà còn rèn luyện kỹ năng thuyết trình, cũng như sự tự tin khi bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình trước đám đông.

Khi có cơ hội hãy thử làm điều đó nhé, hãy bắt đầu từ một nhóm nhỏ trước (đứng trước lớp chẳng hạn). Biết đâu một ngày nào đó bạn sẽ có cơ hội đứng trên TED TALK và chia sẻ những gì mình đã chia sẻ với bạn vào ngày hôm nay nhé.

Vậy là đã đến hồi kết. Chân thành cảm ơn các bạn đã đọc bài viết giàu tâm huyết của mình. Chúc bạn thành công!

Leave a Comment